NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH TRƯỜNG PHÁI UPSIDEDOWNISM

22/09/2017

Hội họa đã xuất hiện từ rất lâu trước khi chữ viết của con người xuất hiện. Bởi vậy, từ lịch sử mỹ thuật ta có thể đưa ra kết luận: hội họa là một ngôn ngữ để truyền đạt ý tưởng bằng các tác phẩm, sử dụng kỹ thuật (nghệ) và phương pháp (thuật) của người họa sỹ. Trong hội họa, thuật ngữ “trường phái” dùng để chỉ một phong cách, trong đó phân loại một nhóm các họa sỹ có chung những kỹ thuật và phương pháp thể hiện.

Trên thế giới hiện nay có khoảng 15 trường phái hội họa nổi tiếng nhất, tuy nhiên các trường phái mới có thể xuất hiện ở mọi quốc gia và trong bất cứ khoảng thời gian nào. Các trường phái hội họa đều có tính lịch sử, ra đời để kế thừa các thành tựu và phản ứng lại những hạn chế của trường phái trước đó và đến lượt nó lại tạo cơ hội cho một trường phái mới phát triển. Đối với Upsidedownism – trường phái nghệ thuật Đảo ngược do họa sỹ Nguyễn Đại Giang sáng lập, trường phái này cũng có những câu chuyện riêng về nguồn gốc ra đời của mình.

Tác phẩm “Ca trù” – Họa sỹ Nguyễn Đại Giang

Các nhà phê bình quốc tế đánh giá rất cao những đóng góp của họa sĩ Nguyễn Đại Giang với nghệ thuật hội họa: “Nghệ sĩ Đại Giang là một nhà cải cách, người đã thiết lập về cơ bản một trào lưu nghệ thuật mới. Ảnh hưởng của nó vừa thách thức sự kỳ vọng của chúng ta, vừa cho chúng ta một cách nhìn mới hoàn toàn độc đáo. Trường phái đảo nghịch mà Đại Giang xây dựng là một sự tạo hình không cân đối về mặt hình thể học, nhưng lại hoàn toàn chính xác về mặt cảm xúc, nằm trong xu hướng của Picasso và các nhà cải cách thế kỷ 20. Upsidedownism của Đại Giang thật khó phân loại: nó có một chút siêu thực, một chút hình thể, một chút dada, và rất nhiều tính chất nguyên thủy của họa sĩ” (Ruthie Tucker – Giám đốc, phụ trách Gallerry Whitney Amsterdam ở NewYork, Mỹ); “Ý tưởng của Upsidedownism thật tuyệt vời! Nó sẽ mở ra một trang mới cho lịch sử mỹ thuật Thế kỷ 21” (Grey Gierlowsky – Polish Artist); “Tuyệt vời. Chúng là những kiệt tác. Thật tự hào vì có những tác phẩm của Đại Giang trong triển lãm” (Piere Midwinter – Chủ tịch Raw Arts International Festival ở London); “Trường phái Upsidedownism hóm hỉnh của Đại Giang đang đánh đổ (thực ra là làm giàu có, phong phú hơn) lịch sử mỹ thuật phương Tây” (Anna Fahey – nhà phê bình mỹ thuật của Seattle Weekly)…

“Chơi tam cúc” – Họa sỹ Nguyễn Đại Giang

Upsidedownism của hội họa Nguyễn Đại Giang là gì mà ai ai cũng chú ý đến các tác phẩm của người họa sĩ Việt Nam danh tiếng lẫy lừng đến vậy? Upsidedownism là trường phái đảo ngược, song không chỉ có vậy. Đã có một câu hỏi như thế này: Dường như không chỉ đơn giản là hiện tượng đảo ngược (Upside down) trong những hình thể con người và các bức tranh của anh, chúng còn được tái tạo, làm lệch lạc hẳn với hình thể nguyên thủy của tạo hóa. Điều này chuyên chở ý niệm gì? Và Nguyễn Đại Giang đã trả lời: Dựa theo lý luận của Upsidedownism là vạn vật thay đổi. Cái khởi đầu và cái tận cùng giống nhau, trong tranh đảo ngược có sự thay đổi rất lớn ở vị trí mắt, mũi, mồm, tay chân, đằng trước ra đằng sau, cái bên ngoài thành cái bên trong, cái bên trong ra cái bên ngoài, cái trên biến thành cái dưới, cái to biến thành cái nhỏ… Tuy thay đổi như vậy nhưng vẫn là con người ấy, không thể nào là một người nào khác. Đặc điểm này mang tính cách mạng đầy ưu việt của Upsidedownism; khác hẳn các trường phái khác là sự tự do đầy sáng tạo của các họa sĩ, lấy sự vô hạn phá vỡ cái hữu hạn mà mắt ta nhìn thấy hàng ngàn năm nay. Bởi vì phá vỡ cái hữu hạn nên trong tranh Upside down bạn không còn nhìn thấy sự cân đối mà tạo hóa đã tạo ra như con người có hai tay đều nhau, hai mắt đều nhau, hai chân đều nhau, hai vú đều nhau, hai vai đều nhau… Có lẽ lúc tạo hóa tạo ra con người, tạo hóa không phải là họa sĩ, mà họa sĩ Upside down muốn làm đẹp thêm cho tạo hóa trong nghệ thuật bằng sự sáng tạo của mình.

Những phác họa đầu tiên của họa sỹ Đại Giang về Upsidedownism

Nói về nguồn gốc hình thành nên trường phái Upsidedownism, Họa sỹ Đại Giang chia sẻ: “Nghệ thuật đảo ngược này, tôi được kế thừa và phát triển từ chính tổ tiên chúng ta, có từ 1.000 năm trước. Đó chính là những bức vẽ đảo ngược trên đá ở bãi đá cổ Sa Pa, các bức tranh tường ở đồng bằng sông Cửu Long thế kỷ thứ 17. Chính là tổ tiên ta, chứ không phải đâu xa lạ.”

Các hình thù đảo ngược trên hiện vật đồ gốm Phùng Nguyên

Tìm theo các tư liệu được họa sỹ Đại Giang nhắc tới, có thể dễ dàng nhận ra từ những hình ảnh đầu tiên do người tiền sử khắc trên bãi đá cổ Sa Pa hay trong tranh dân gian Nam Bộ thế kỷ thứ 17 đã thể hiện những hình người lộn đầu xuống đất. Trong sách “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” của Trần Ngọc Thêm (Trang 96) còn có thêm các dẫn liệu về những dấu vết của văn tự cổ đầy những hình thù đảo ngược: dấu vết trên bãi đá cổ Sa Pa, trên quả đồng Thanh Hóa, trên lưỡi cày Đông Sơn, trên trống đồng Lũng Cú, trong những văn bản cổ ở vùng Mường Thanh Hóa.

Ông cho biết thêm, sự đảo ngược mang tới niềm lạc quan, giúp con người nhìn cuộc đời vẫn tươi đẹp, dù cuộc đời không phải lúc nào cũng vậy. “Tranh của tôi là sự tiếp nối truyền thống của Việt Nam, một truyền thống rất nhân văn. Anh có bao dung thì mới chấp nhận được cái vô lý trong đó”, ông nói.

Các ký tự đảo ngược từ thời xa xưa của người Việt cổ

Việc Nguyễn Đại Giang sáng tạo Upsidedownism ít nhiều có ảnh hưởng và kế thừa truyền thống đó của dân tộc. Nói cách khác, đến Nguyễn Đại Giang, Upsidedownism của Việt Nam được nâng lên một tầng cao hơn, thành một “Super Upsidedownism”, tức là không cần “lộn đầu xuống đất” mà vẫn nói được tư tưởng của nó bằng sự bao dung rộng lớn kèm theo sự tự do sáng tạo triệt để. Ông chia sẻ: “Thiên nhiên, cảnh vật Việt Nam khác với các nước Mỹ, Anh, Pháp… Mái chùa Việt Nam khác mái chùa Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc… Văn hóa Việt Nam thực sự độc đáo như thiên nhiên, không giống nơi nào trên thế giới. Bản sắc dân tộc Việt Nam xuất phát từ cội nguồn xa xưa khi trời đất hình thành dân tộc Việt Nam. Trường phái Upsidedownism ra đời để kế thừa cái hay, cái đẹp và sự bao dung vốn có của con người Việt Nam… và phát triển thành một hệ thẩm mỹ, một trường phái để giới thiệu ra thế giới trong thời đại hòa nhập, hữu nghị giữa các dân tộc.”

Họa tiết đảo ngược được ứng dụng trên nhiều đồ vật cổ xưa

Là một họa sỹ rời xa quê hương và đã sinh sống, làm việc tại nước ngoài hơn 20 năm nhưng trong các tác phẩm của Đại Giang, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam vẫn luôn hiện hữu đầy thân thương, trìu mến. Ông đặc biệt coi trọng tính bản sắc dân tộc và nỗ lực sáng tạo để đem tới cho khu vườn hội họa của thế giới một màu sắc riêng, mang dấu ấn của văn hóa Việt. “Tất cả cũng vì tình yêu quê hương. Đam mê, cống hiến của bản thân tôi không có gì ngoài mục đích đưa bản sắc văn hóa Việt đến gần hơn với bạn bè thế giới. Muốn vậy phải tạo ra cái riêng độc đáo, mới lạ ngay ở chính bản thân mình đầu tiên. Ở nước ngoài, nếu là họa sỹ Việt, vẽ không có bản sắc dân tộc, thì anh chẳng là ai”, ông nói.

Những nỗ lực của họa sỹ Đại Giang đã có được sự ghi nhận từ nhiều tổ chức uy tín quốc tế. Năm 1996, trường phái Upsidedownism đã được Viện Tác quyền Mỹ công nhận. Ông có tên trong sách “Who‘s who in the world” năm 2002, riêng trường phái tranh Upsidedown được đưa vào sách “Thiên tài sáng tạo” (Creative Genius) thuộc tủ sách Master of today, ở nước Anh, năm 2009. Ngoài ra ông còn được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế cao quý khắp các châu lục, tranh của ông được nhiều gallery và bảo tàng lớn trên thế giới sưu tập. Năm 2015, Nguyễn Đại Giang được nhận giải thưởng Roma Imperia International prize 2015, tại thành phố Roma, Italia. Ông cũng là nghệ sĩ gốc Việt duy nhất được sống ở tòa nhà Art Space của thành phố Seattle, thuộc tiểu bang Washington của Mỹ.