TRANH PHẬT GIÁO QUA CÁCH NHÌN NGHỆ THUẬT ĐẢO NGƯỢC UPSIDEDOWNISM

23/09/2017

(Tranh tường: Sinh – Lão – Bệnh – Tử)

Chùa Pháp Nguyên ở Pearland, Texas có may mắn sở hữu hầu hết những bức tranh Phật của họa sĩ Nguyễn Đại Giang được sáng tác từ năm 1997 đến nay.

Tranh Phật:

Những bức tranh này gồm có 5 bức tranh tường khổ 6’x 18’ vẽ giáo lý Tứ Diệu Đế gồm Khổ, Tập, Diệt, Đạo và Quan Âm Thị Kính. Và bức thứ 6 đang chuẩn bị để thực hiện vào mùa thu năm 2017 với đề tài Thập Bát La Hán. Ngoài ra chùa cũng sở hữu 10 bức tranh khác với những khổ từ 5’x 4’ đến 3’x 2’ với những đề tài như: Khất Thực, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà,Thiên Thủ Thiên Nhãn, Phật Quan Âm, Thiền Sư Vũ Khắc Minh, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, Sư Thích Trí Hoằng..

Những bức tranh này với những màu sắc nhẹ nhàng, hài hòa mang phong cách Thiền và đậm chất dân gian Tuy nhiên trong đó cũng có những khoảng tối sáng đối chọi nhau để biểu tả vô minh và giác ngộ.

(Hs Đại Giang bên bức tranh tường khổ lớn)

Trong 4 bức nói về Tứ Diệu Đế, bức thứ nhất tác giả đã diễn tả về cái Khổ với những hình tượng về Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Bức thứ hai nói về Tập là nguyên nhân của Khổ, tác giả đã cụ thể hoá những khái niệm về Tham, Sân và Si bằng hình ảnh Sáu Nẻo Luân Hồi: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, A Tu La, Nhân, Thiên. Bức thứ ba nói về Diệt là cảnh giới tịch diệt giải thoát bằng hình ảnh Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Và bức thứ tư về Đạo là Bát Chánh Đạo, con đường đi đến giải thoát với những pháp môn tu khác nhau từ khổ hạnh đến hưởng thụ. Bức tranh tường thứ năm nói về cuộc đời gian khổ của cô Thị Kính với nỗi oan ngất trời. Thế nhưng với sự nhẫn nhục và từ bi, cô Thị Kính đã giác ngộ và chuyển hoá những người đã hãm hại cô. Cô đã được dân chúng tôn xưng là hiện thân lòng Từ Bi của Phật Bà Quan Âm.

Bức tranh Khất Thực với những màu sắc rực rỡ của Phương Đông trong sự hài hòa giữa người cúng và người nhận. Những hình ảnh siêu thực của các vị sư hòa vào cảnh người và vật trong một thế giới hòa bình và an lạc.

(Tranh: Khất Thực )

Bức tranh Phật Thích Ca với màu chủ đạo là màu vàng của sự giải thoát. Khuôn mặt đảo ngược để hướng đôi mắt nhìn vào nội tâm.

Tranh Phật A Di Đà với màu nâu nhạt diễn tả khung cảnh hồn nhiên với những em bé quanh đức Phật A Di Đà dưới cội cây bồ đề.

Tranh Thiên Thủ Thiên Nhãn với hình tượng Bồ Tát Quan Thế Âm ngàn mắt trong ngàn tay. Con mắt tượng trưng cho sự hiểu biết và cánh tay tượng trưng cho hành động từ bi.

Tranh Phật Quan Âm ngồi dưới cội cây với khuôn mặt phản chiếu xuống nền đất tượng trưng cho sự phản tỉnh để nhìn vào Phật tánh của chính mình.

Tranh thiền sư Vũ Khắc Minh với các màu xám và đen, diễn tả sự khổ hạnh trong nổ lực vượt qua những thấp hèn của con người để đạt đến cảnh giới giải thoát.

Tranh Đức Đạt Lai Lạt Ma với lối vẽ đảo ngược đã diễn tả được lòng từ bi của vị lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng, và ngài cũng là lãnh tụ của Phật Giáo thế giới.

Tranh thiền sư Thích Nhất Hạnh với đôi mắt sáng diễn tả được trí tuệ siêu việt của một bậc đạo sư thời đại.

( Tranh: Đại Lai Lạt Ma)

Tranh sư Thích Trí Hoằng đang ngồi nhìn chiếc đầu lâu để chiêm nghiệm về lẽ vô thường.của cuộc sống.

Đường nét

Đường nét và màu sắc trong tranh Nguyễn Đại Giang mang đậm tính chất tranh dân gian của làng Đông Hồ, Việt Nam. Hoạ sĩ đã kết hợp tài tình giữa nghệ thuật hiện đại và truyền thống; giữa Đông phương và Tây phương.

Đặc biệt lối vẽ đảo ngược đã diễn tả tài tình những mâu thuẩn của cuộc sống. Lối vẽ này đã mở ra một chiều kích mới. đó là chiều kích tâm linh. Trong những bức tranh Phật, họa sĩ đã đưa cặp mắt xuống dưới để nhìn vào nội tâm. Trong bức Tây Phương Cực Lạc với những khuôn mặt bồ tát đảo ngược diễn tả ý niệm mười phương của Phật Giáo. Trong bức đức Đạt Lai Lạt Ma và thiền sư Thích Nhất Hạnh khuôn mặt đảo ngược diễn tả ý nghĩa tu là đi ngược dòng đời, vượt lên những thông thường của cuộc sống để vươn đến những chân trời cao rộng.

 

Tư tưởng Phật Giáo:

( Tranh: Cõi Phật A Di Đà)

Triết học Vô Ngã và Vô Thường của Phật Giáo đã ảnh hưởng mạnh trong những bức tranh Phật của Nguyễn Đại Giang.

Triết lý Vô Ngã chủ trương không có một cái Ngã thường hữu, không chấp vào một hình thể cố định. Từ triết lý này, họa sĩ đã tự do đảo ngược thứ tự của cơ thể con người cũng như sự vật. Con mắt không cần ở vị trí phía trên và miệng không cần ở vị trí phía dưới; đầu không cần ở trên cổ; và tay chân không nhất thiết ở vị trí cố định. Sự tự do này đã mở ra một chân trời mới để họa sĩ diễn tả chiều sâu của tâm hồn, chiều kích tâm linh.

Triết lý Vô Thường chủ trương mọi vật thay đổi không ngừng, những mâu thuẩn có mặt cùng lúc trong mọi sự vật. Trong hạnh phúc có mặt của đau khổ và trong đau khổ có mầm mống của hạnh phúc. Họa sĩ đã đưa triết lý này vào trong tranh để diễn tả những mâu thuẩn của cuộc sống.

Hoạ sĩ Nguyễn Đại Giang đã dùng tranh để diễn tả những tư tưởng triết học sâu xa của Phật Giáo.về nỗi khổ trong kiếp sống và sự giải thoát của con người. Họa sĩ đã phá vỡ những khuôn thước, giáo điều cố hữu trong hội họa để đạt đến sự tự do tuyệt đối trong việc diễn tả chiếu kích tâm linh. Nguyễn Đại Giang là người đã sáng lập trường phái đảo ngược để nhìn con người và sự vật trong một chiều kích mới.

 

Chùa Pháp Nguyên, Texas, 20 Tháng 7, 2017.

Thượng tọa Thích Trí Hoằng.