LUẬN THUYẾT TRIẾT HỌC CỦA UPSIDEDOWNISM

14/04/2021

Tượng nhà mồ Tây Nguyên, lặp hình đột ngột, không theo trật tự nhìn theo mắt thường, mô tả rất kỹ, rất thực nhưng dựa vào không gian không thực, vì nghệ sĩ muốn gợi nhiều hơn tả trong hình khối. Hướng sự chú ý của người xem vào nội dung tư tưởng hơn hình thức dung sai theo giải phẫu học. Cũng như vậy nghệ thuật hình khối Việt Nam chú ý đến sự nhấn mạnh cái này, giảm thiểu và lược bỏ cái kia. Bức chạm gỗ “Đánh Cờ” ở đình Hạ Hiệp đã dùng thủ pháp 2 góc nhìn cho người xem là nhìn từ trên xuống dưới và góc nhìn thẳng đứng, điều này được nối tiếp từ trống đồng Đông Sơn – Phần lớn hình chim bay được chạm khắc, thân chim thì bay ngang, trong khi đôi cánh của chúng lại theo phương thẳng đứng nhìn từ trên xuống dưới.

Bức chạm gỗ “Chèo Thuyền” thế kỷ XVII ở Phù Lưu Bắc Ninh, nếu nhìn con thuyền bên ngoài với vân gỗ bao bọc, không thể thấy cái gì bên trong, thế mà ta lại nhìn thấy người chỉ huy và chân của các thủy thủ… Cũng như hệt sau những mái nhà Đông Sơn là những người ca hát. Vậy thì nghệ thuật truyền thống Việt Nam đã đi quá xa với cách nhìn “Cái không nhìn thấy lại là cái nhìn thấy”.
Mãi đến đầu thế kỷ 20, năm 1908 chủ nghĩa Lập thể của Piccasso mới vẽ đến những hình khối lập phương mà mắt thường không nhìn thấy. Với trình độ cách điệu cao, bức tranh dân gian Đánh Vật – Đông Hồ, giản dị uyên thâm, nhìn kỹ những đồ vật được cách điệu đưa về những hình kỷ hà cơ bản là bán nguyệt, tam giác, hình thang và hình chữ nhật. Không có chi tiết thừa, ngoài chi tiết hai bánh pháo rất quý. Một sự hòa hợp tuyệt vời giữa cái động và cái tĩnh của các tư thế đô vật. Trong tác phẩm “Trai gái đùa vui” ở Đình Tam Hiệp (Hà Tây cũ) Nghệ sĩ đã bỏ bớt thân thể của một tràng trai, tuy vẫn giữ cái đầu lơ lửng trong không gian. Sự cố tình bỏ quên tạo sự ngạc nhiên hoàn thiện cái đẹp của nhóm tượng. Trong hậu cung chùa làng Bần Yên Nhân (Hưng Yên) quê hương của họa sĩ Nguyễn Đại Giang – Người ta thờ tượng người đàn bà chỉ có thân mà không có đầu, thay vào đó là miếng gấm đỏ.
Khuynh hướng biểu cảm, trọng tình nghĩa của người Việt Nam ở các đình, chùa những tượng hộ pháp Thiện, Ác đứng cạnh nhau đều hài hòa, không dữ dội căng thẳng, ông ác không nhất thiết dữ tợn, đôi khi còn cười. Ngay cả quỷ sứ diêm vương dưới nét chạm khắc cũng không ác độc…
Nghệ thuật phản ánh sự mơ ước của con người, vươn tới một cái gì khác với cái người ta đang sống… Thế kỷ 17 trong một tranh dân gian miền Trung Nam Bộ – 5 người đội nón ngồi trên một cái thuyền Rồng, đầu họ quay ngược với 2 người đang khiêng một ông Quan trên đường cái quan, tại sao có sự phi lý ấy? 5 người đảo ngược với ông Quan có quan hệ gì? đâu là nước, đâu là bộ? Sự bí ẩn ấy đến này chưa có lời giải mã, chẳng phải những hình người ấy ngay cả những họa tiết trang trí trong đồ gốm Phùng Nguyên đều có sự tương đồng với nghệ thuật Đảo Ngược. Bãi đá cổ Sa Pa có hình người lộn đầu xuống đất có 3 chân chống trời và ngồi chỉ có 1 chân … Như trên Tôi đã giới thiệu những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Việt Nam liên tiếp xuất hiện từ văn mình trống đồng Đông Sơn cho đến ngày nay.

Vậy Trường phái UPSIDEDOWNISM của người Việt Nam sáng tạo đã xuất hiện tại thành phố SEATTLE, bang Wasinghton thuộc Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ vào năm 1994. Sau khi được viện Bản Quyền tác giả công nhận tại NEW YORK – thủ đô Nghệ thuật của Mỹ. Upsidedownism kế thừa những tinh hoa của tổ tiên và phát triển thành trường phái nghệ thuật hiện đại của Việt Nam, đóng góp vào sự giàu có, đa nguyên, đa sắc của nghệ thuật thế giới của thế kỷ 21. Nghệ thuật Việt Nam không phải “Hòa Tan” với thế giới phẳng mà “Hội Nhập” với thế giới bằng bản sắc dân tộc… Sự đóng góp vào kho báu của Nghệ thuật Việt Nam là kiểu bố cục Super Upsidedownism theo hàng ngang được gọi là bố cục 9 phương Trời. Dựa vào cái nhìn theo thiên nhiên phong cảnh Việt Nam, như dãy Trường Sơn hùng vĩ, trùng trùng điệp điệp, với hơn 3000km bờ biển, dọc theo chiều dài Đất Nước, hơn 1000 chùa chiền Phật Giáo với kiến trúc nằm ngang song song với những cánh rừng vô tận. Bố cục hàng ngang 9 phương trời tạo cho người xem hình ảnh, con người, sinh vật, phong cảnh… hầu như bay bổng trong không gian “Một giấc mơ hiện thực”, một báo hiệu tương lai của thế giới bắt đầu phát triển trong không gian tất cả các lĩnh vực khoa học, kinh tế, xã hội, văn hóa…
Phát triển tư duy của Tổ Tiên là 2 lối nhìn khi xem tranh, là nhìn từ trên xuống dưới và trực tiếp nhìn theo trục thẳng đứng tĩnh. Giờ đây Super Upsidedownism được nhìn thành 3 lối nhìn sau đây:
1. Nhìn từ trên xuống dưới
2. Nhìn trực tiếp trục thẳng đứng
3. Nhìn từ dưới lên trên
Bố cục ngang “9 phương Trời” hấp dẫn khách thưởng ngoạn bằng lối tạo hình đặc biệt, cùng màu sắc trong sáng mang tính cách Lạc Quan, Hy Vọng vào Tương Lai của cuộc sống.
Ngoài bố cục 9 Phương trời có thêm một kiểu bố cục theo hàng dọc gọi là bố cục “Nhất Nguyên”. Mang lại hiệu quả độc đáo, ngạc nhiên với con mắt nhìn. Sự đúng và sai, sự to và nhỏ, dài và ngắn, sự không cân đối với cân đối, sự giống và không giống, xấu và đẹp… của Người, cảnh, Vật… đều xuất hiện trong tranh Upsidedownism “Nhất Nguyên” vì vẽ theo quan niệm trong âm có dương, trong dương có âm. vì là “Nhất Nguyên” nên trong trong Super Upsidedownism xóa nhòa mặt phải, mặt trái, phía trước mặt, phía sau lưng, có thể nhìn thấy cặp vú bánh dày của người đàn bà.
Seattle 1.2021
Họa sĩ NGUYỄN ĐẠI GIANG.