“HỌA SĨ LỘN NGƯỢC” NGUYỄN ĐẠI GIANG

22 September, 2017

Lạc hậu trên đất Mỹ

Thành danh ở Mỹ, thế nhưng sáng 12-12, lần đầu tiên họa sĩ Đại Giang mới triển lãm tại Việt Nam với 20 tác phẩm, kéo dài mười ngày tại gallery Đức Minh, TP.HCM. Khách xem triển lãm nhận ra: Hình như khi người nghệ sĩ chịu quá nhiều gánh nặng của cuộc sống thì quan niệm, lý thuyết trong sáng tạo nghệ thuật bỗng trở thành đơn giản.

Quan niệm về nghề của ông chỉ là: “Phải làm việc liên tục chứ không phải ngồi chờ may mắn. May mắn chỉ chiếm 1% thôi”.

Không ít người khi xem tranh xong đều phải thắc mắc tại sao lại quá nhiều tầng nấc triết lý trong tranh của ông. Nhà phê bình mỹ thuật Anna Fahey (Mỹ) từng viết trên tuần báo nghệ thuật Seattle (Weekly Seattle) cho rằng: “Phong cách hài hước Upsidedownism của Đại Giang đánh đổ lịch sử mỹ thuật phương Tây”. “Nói vậy cũng hơi oan cho tôi. Tôi không tham vọng đánh đổ ai cả. Tôi chỉ mong góp phần phong phú thêm cho hội họa thôi” – ông tâm sự.

Tác phẩm “Mẹ và con” từng đoạt giải ba cuộc thi nghệ thuật quốc tế tại Tây Ban Nha của họa sĩ Nguyễn Đại Giang.

 

Học ở Hà Nội rồi sang học ở Liên Xô, về công tác tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội nhưng rồi cuộc sống yên ả ấy hình như ông không thích nghi và sang Mỹ vào những năm 1990. Ông kể: “Lúc học ở Hà Nội và Liên Xô, tôi đều vẽ bằng tay nhưng khi sang Mỹ, đó là những năm đầu tiên người ta bắt đầu sử dụng máy để vẽ đồ họa, tôi bỗng thành lạc hậu. Và tôi phải xác định lại: bây giờ mình đi làm như những người công nhân bình thường chỉ để nuôi sống mình và nuôi con trai ăn học”.

Sáu ngày trong tuần ông phải bỏ cọ vẽ để sống đời sống của người công nhân trong xưởng máy đánh bóng phụ tùng cho bếp leo núi. Cuối tuần mới bày biện vẽ cho đỡ nhớ. Những gì họa sĩ Đại Giang vẽ là những điều mà công nhân Đại Giang hằng ngày thấy trên hè phố. Và vì thế trường phái hội họa Upsidedown của ông cũng bắt đầu từ hè phố. Ở Seattle rất ít khi có tuyết, thế mà bỗng dưng năm đó tuyết rơi, trên đường đi làm hằng ngày ông thấy một phụ nữ ăn xin ôm con co ro vì lạnh, trước ngực cô ấy là tấm bảng: “No food, no job, need help!” (Không có gì ăn, thất nghiệp, cần giúp đỡ!).

“Tôi bỗng nhận ra nước Mỹ giàu nhưng vẫn nhiều người nghèo. Và cuộc sống luôn có hai vế song hành đau khổ và hạnh phúc. Nghịch lý luôn tồn tại trong một đất nước rộng lớn như Mỹ và cả trong chính bản thân mỗi con người. Từ đó, tôi bắt đầu có ý tưởng cho những bức tranh Upsidedown của mình” – ông chia sẻ.

Ở Mỹ nghệ thuật Việt ít được biết

Theo họa sĩ Đại Giang thì không chỉ ở Việt Nam mà ở Mỹ, Pháp… hay ở bất cứ đâu, người họa sĩ đều khó có thể sống bằng nghề. Riêng ở Mỹ, 90% họa sĩ lấy nghề khác để nuôi đam mê vẽ. Nhiều họa sĩ gốc Việt ở Mỹ phải làm vườn, phụ bán đồ ăn ở các quán ăn để có tiền thuê chỗ vẽ.

Không chỉ hội họa và các ngành nghệ thuật khác như âm nhạc, văn học…, những hoạt động của cộng đồng người Việt ngay trên đất Mỹ vẫn chỉ bó hẹp trong cộng đồng. “Người nước ngoài có thể biết người Việt đến Mỹ để mưu sinh nhưng họ không biết văn hóa nghệ thuật của người Việt. Mỹ là một quốc gia đa văn hóa nhưng mình giới thiệu đặc sản văn hóa mình ít quá, làm sao người ta biết” – họa sĩ băn khoăn.

Làm sao để văn hóa Việt được thừa nhận ở một quốc gia đa văn hóa như thế? Họa sĩ Đại Giang cho rằng: “Phải sáng tạo tuyệt đối. Nếu cứ đi theo những gì đã có sẵn thì mình không thể bằng người ta. Sáng tạo đặc trưng nhất chính là đưa hồn văn hóa của mình vào, nghĩa là góp phần đưa đặc trưng văn hóa dân tộc vào để bức tranh đa văn hóa của họ thêm nhiều màu sắc”.

Họa sĩ Đại Giang cũng chia sẻ rằng khi đã được thừa nhận, cuộc sống của người nghệ sĩ ở nước ngoài sẽ được nhiều ưu đãi hơn. Ông đang được sống trong không gian 80 m2 dành cho sáng tạo nghệ thuật. Căn nhà ấy nằm trong khuôn viên tòa nhà Art Space gồm 50 căn hộ dành cho 50 họa sĩ, nhà thơ, nhà văn được chính phủ Mỹ và TP Seattle xây dựng. Đó được xem như là trung tâm nghệ thuật của thành phố và vài tháng Art Space lại mở cửa cho người dân đến tham quan.

Câu chuyện ấy có lẽ đang gieo thêm trong ông và nhiều người Việt xa xứ làm nghệ thuật niềm hy vọng, có thể nhỏ nhoi thôi: Về một ngày nghệ thuật Việt sẽ thôi “ít được biết” như tâm sự của ông hôm nay.

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang sinh năm 1944 tại Hà Nội, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội và Đại học Mỹ thuật công nghiệp Liên Xô. Ông sang Mỹ định cư vào năm 1992, một năm sau đã có triển lãm tranh lần đầu tiên và nhận được giải ba của Trung tâm hội nghị Washington.

Tiếp theo là những giải thưởng đáng chú ý khác: Những tranh hiện đại nhất cho CDRom (New York, Mỹ, 1996); giải ba “Những họa sĩ tài năng nhất”, giải ba “Thế giới nghệ thuật” (Stockholm, Thụy Điển, 1997); tác phẩm “Vũ điệu Hawaii” lọt vào tốp 50 của cuộc thi “Vẽ nước Mỹ” (2005)…

Tiểu sử của ông được ghi vào sách “Ai là ai trên thế giới” (Who’s who in the world, Mỹ, 1998) và “500 người sáng lập của thế kỷ 21” (500 founders of the 21th century, Anh, 2003). Riêng trường phái tranh Upsidedown được đưa vào sách “Thiên tài sáng tạo” (Creative Genius) thuộc tủ sách “Chủ nhân thời nay” (Master of today, Anh, 2009). Ông cũng là nghệ sĩ gốc Việt duy nhất được sống ở tòa nhà Art Space của TP Seattle.

Quỳnh Trang