XEM NGHỆ THUẬT “ĐẢO NGƯỢC” TRONG TRANH NGUYỄN ĐẠI GIANG

22 September, 2017

Vì sao lại “ngược”

Sở dĩ gọi là ngược vì những bức tranh tại triển lãm mang tên “Tranh nghệ thuật đảo ngược” của Nguyễn Đại Giang, những hình hài và chủ thể trong bức tranh đều ở trạng thái ngược.

Khi xem tranh, đôi khi người xem phải chú ý tới cách họa sĩ thể hiện những bức vẽ, những chủ thể nghệ thuật trong tranh “nhảy múa”, lộn ngược. Đôi khi, cái đầu tự dưng “lộn tùng phèo”, đôi khi đôi chân đôi tay lại ngược, thậm chí, tất cả đều ngược trong tranh của Nguyễn Đại Giang.

Chí Phèo, Thị Nở

Ông chính là người khởi đầu trường phái mới tại Việt Nam – trường phái đảo nghịch đảo trong hội họa (superupsidedownism). Khi nói về trường phái này, Nguyễn Đại Giang cho rằng: “Việc sáng tạo ra một trường phái, một ngôn ngữ riêng của hội họa, sẽ vô cùng gian nan, chịu đựng sự thử thách của thời gian, dư luận quần chúng cùng sự đố kỵ cào bằng của con người. Nếu là một trường phái, phải có một tư tưởng mới cùng hình thức nghệ thuật mới mà người ta chưa bao giờ nhìn thấy. Người nghệ sĩ sẽ phải chịu áp lực của cái cũ, cái bảo thủ, cái thời thượng luôn luôn cản phá cái mới mẻ của mình. Nghịch đảo không phải chỉ là sự chuyển dịch từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Nghĩa là không phải làm biến đổi một tổng thể theo một chiều. Mà đó là một sự chuyển hóa trong một tổng thể.”

Chính vì vậy, nghịch đảo trong tranh Nguyễn Đại Giang không đơn thuần là: lên, xuống mà từ một tổng thể. Từ tổng thể mới triển khai thành những góc cạnh riêng, khiến người xem phải suy ngẫm và cảm nhận.

Nguyễn Đại Giang tâm sự thêm về trường phái đảo nghịch trong hội họa: “Quan niệm đời sống, cuộc đời chỉ có sống và chết, hạnh phúc và khổ đau, khỏe và yếu, đúng và sai, có lý và vô lý… đó là điều thông thường. Nhưng, cuộc sống cũng như thiên nhiên không đơn giản và rạch ròi như vậy. Tôi muốn tìm sự hài hòa trong một bức tranh từ những điều tưởng như ngược đời, từ những hình ảnh tưởng như đảo ngược…”.

Từ “ngược” đến nụ cười

“Tranh nghệ thuật đảo ngược” của Nguyễn Đại Giang gồm 20 tác phẩm vẽ trên chất liệu sơn dầu và arylic. Các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đại Giang trông giản đơn, chúng không chỉ đơn thuần là một phần của hội họa trừu tượng mà có một sức hấp dẫn lớn chính là càng nhìn ngắm những bức tranh này, người xem bất giác sẽ mỉm cười thích thú. Đối tượng trong các bức tranh theo chủ nghĩa đảo ngược của ông có thể là những người thân thương gần gũi, là hình ảnh Việt Nam xưa cũ gợi về trong nỗi nhớ quê hương, là những khuôn mặt của cuộc sống.

Chơi Tam cúc

Nguyễn Đại Giang đã rời Việt Nam trong một thời gian dài, có lẽ những tiếp thu về nghệ thuật mới trên thế giới kết hợp cùng với tư tưởng hội họa phương Đông đã khiến ông sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật trừu tượng, vừa mới mẻ vừa truyền thống.

Xem tranh của Nguyễn Đại Giang, người xem sẽ có cái nhìn đa dạng, mới mẻ mà không kém phần gần gũi về cuộc sống thường nhật. Theo ông, cuộc sống thường ngày cũng chính là cảm hứng để ông sáng tạo ra những bức tranh với trường phái đảo ngược: “Cuộc đời tôi là một sự đảo ngược. Cuộc đời của bao nhiêu người khác cũng đảo ngược… Cũng nhờ cuộc đời này mà tôi sáng tạo ra trường phái đảo ngược: Upsidedownism. Thực ra tổ tiên chúng ta, tức dân tộc Việt Nam đã đưa tính chất đảo ngược vào nghệ thuật từ nghìn năm về trước. Tôi chỉ thừa kế và phát triển thành một trường phái, một ngôn ngữ giàu có của người Việt Nam, góp phần vào khu vườn đa sắc của hội họa thế giới. Vậy thì: đời sống cùng trí tưởng tượng cộng tự do tạo ra nghệ thuật đảo ngược.”

Chơi ô ăn quan

Triển lãm lãm “Tranh nghệ thuật đảo ngược” của Nguyễn Đại Giang là hoạt động trong khuôn khổ những dự án giao lưu nghệ thuật đa dạng được Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội bắt đầu triển khai thử nghiệm từ năm 2013 đến nay. Bên cạnh việc giới thiệu các tác giả Hàn Quốc, Trung tâm còn tổ chức triển lãm của các thể loại, các tác giả với độ tuổi khác nhau của Việt Nam.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Park Nark Jong phát biểu về triển lãm của Nguyễn Đại Giang: ““Đây là triển lãm của một họa sĩ Việt Nam đang hoạt động rất cần mẫn ở nước ngoài, bên cạnh việc giới thiệu những tác phẩm mang giá trị về nghệ thuật, triển lãm còn có ý nghĩa ở chỗ đây là nơi chia sẻ những trải nghiệm nghệ thuật độc đáo này với tất cả mọi người”.

Có thể nói, những bức tranh với trường phái tranh “đảo ngược” của Nguyễn Đại Giang là sự cổng hưởng của góc nhìn người nghệ sĩ, sự tự do trong nghệ thuật và từ chính cuộc đời của Nguyễn Đại Giang.