Bài trên báo The New Asian Journal – 11.1998

23 September, 2017

(do Marta Olson viết- bà là giảng viên mỹ thuật, chủ tịch Cục Nghệ thuật tại
Cleveland High School, và là Đại diện của Secondary Art Education – Hiệp Hội
Giáo Dục Nghệ Thuật tại Washington):

Lúc đầu tôi biết Đại Giang qua tác phẩm của ông treo tại nhà một người bạn.
Bạn tôi, Jeff Booth, một thợ kim hoàn, nhà điêu khắc, họa sĩ, có một bức tranh
rất đẹp của Đại Giang, treo trong phòng ăn tại nhà. Tôi hỏi Jeff về bức tranh,
và về tác giả của nó. Jeff kể cho tôi tất cả về Đại Giang và về việc ông cũng
thuộc thành viên trong hội đồng nghệ thuật của chúng tôi – Hội đồng Nghệ
thuật Đông Nam Seattle, và rằng Đại Giang đã tình nguyện dành thời gian của
mình để giúp tạo công trình nghệ thuật công cộng ở Nam Seattle. Jeff cũng nói
với tôi rằng bức tranh của Đại Giang đã chuyển tải hình tượng về thế giới đang
thay đổi tại Việt Nam và vai trò của phụ nữ.

Cấy lúa  – Đại Giang

Hai phụ nữ trong bức tranh đang tắm, gần như là đang rửa tội, trong một thứ
ánh sáng khó tin với một biểu tượng con rồng. Jeff giải thích rằng Giang muốn
thể hiện ý tưởng về sự thay đổi đang diễn ra rất nhanh trên thế giới và Việt
Nam cũng ảnh hưởng bởi điều đó, và sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến tương
lai của tất cả mọi người.

Bức tranh cũng bày tỏ mối quan tâm về các thay đổi nhanh chóng này có thể
làm mất các nền văn hóa và truyền thống, và chúng ta nên học cách cân bằng
giữa cũ và mới như thế nào, đặc biệt là sự thay đổi sẽ làm tăng tự do cá nhân.
Các bức tranh mà Đại Giang vẽ bây giờ rất khác so với những bức trước kia tôi
thấy tại nhà của bạn tôi. Phong cách “Upside Down” của ông làm cho tôi nghĩ
tới Morgan Russell và Jason Pollack, nhưng tranh của Đại Giang giàu màu sắc,
hình ảnh và tính nhân văn hơn.

Tranh của Russell thì trừu tượng, tranh của Đại Giang có nhiều hình thể, nhưng
cùng chia sẻ một tinh thần. Chúng đều có nhiều chuyển động, căng thẳng và
bùng nổ như các tác phẩm của Pollack. Pollack có “all over painting” và Đại
Giang có “upside down painting”. Đại Giang đóng một vai trò quan trọng trong
nghệ thuật đương đại ngày nay. Là một nghệ sĩ được đào tạo từ Việt Nam,
Nga, châu Âu và Trung Quốc. Ông từng đoạt giải ba cuộc thi mỹ thuật quốc tế
tại Stockhom, Thụy Điển, và là người chiến thắng trong cuộc thi quốc tế “The
Best Contemporary Art”. Ông hiện đang sống ở Seattle, Washington.
Đại Giang đang làm việc với nhóm các nghệ sĩ chia sẻ quan điểm triết học
Upsidedown. Triết lý này là một sự phản ánh của các thay đổi vũ bão đang
diễn ra trên thế giới và ảnh hưởng của nó tới cuộc sống con người.

Đại Giang đã tìm thấy một tinh thần duy nhất giúp xác định chúng ta trong sự
thay đổi mà thế giới đang trải qua. Ông vẽ say mê, kết hợp sự vô thức với các
hình ảnh ý thức mà tất cả chúng ta đều nhận ra. Trong tranh của mình, ông
nối vô thức với ý thức và những hình ảnh trừu tượng nhẹ nhàng kể một câu
chuyện, có cả thuận và nghịch.

Sen Hồ Tây  – Đại Giang

Ông nhắc chúng ta rằng tất cả mọi người đều có hai chiều. Như người Trung
Quốc nói rằng, “càng nhiều Hạnh phúc, thì càng nhiều khổ đau”. Đại Giang
hiểu rất rõ sự cân bằng trong cuộc sống và tất cả của cải sự giàu có của chúng
ta đều có thể ra đi bất kỳ lúc nào. Kiến thức về Thiền, Phật giáo, và KungFu đã
ảnh hưởng tới ông rất nhiều và tôi tin rằng, tất cả chúng ta đều có thể học
được gì đó từ các câu chuyện trong tranh của ông, theo cách xuôi hay ngược.