NHÀ PHÊ BÌNH FRANCIS PARENT ĐÁNH GIÁ VỀ BỨC TRANH “ĐANG NGỦ” CỦA HỌA SỸ ĐẠI GIANG

21/09/2017

Đối với các họa sỹ tại nhiều quốc gia trên thế giới, mối liên hệ giữa họ với các nhà khảo cứu và phê bình mỹ thuật là vô cùng gắn kết. Bởi lẽ, nhà phê bình chính là cầu nối giữa họa sỹ và công chúng, giúp thẩm định và đánh giá các tác phẩm một cách công tâm và chuyên nghiệp. Dù khen hay chê, sự chuẩn mực, đúng đắn trong phê bình các tác phẩm sẽ khiến người nghệ sỹ cảm thấy tác phẩm của mình được tôn trọng và công chúng hiểu rõ hơn giá trị của tác phẩm nằm ở đâu.

Nằm trong xu hướng chung này của hội họa thế giới, các tác phẩm Upsidedownism cũng đã nhận được sự phân tích, đánh giá của nhiều nhà phê bình uy tín. Một trong số đó là những phân tích của nhà khảo cứu và phê bình mỹ thuật người Pháp Francis Parent cho tác phẩm “Đang ngủ” – Sleeping.

Nhà phê bình Francis Parent và hệ thống Artrinet

Trước hết, xin được giới thiệu đôi nét về nhà phê bình Francis Parent. Ông là nhà khảo cứu và phê bình nghệ thuật người Pháp, thành viên của tổ chức AICA (The International Association of Critics of Art) – Hiệp hội các nhà phê bình nghệ thuật quốc tế. Đây là một tổ chức phi chính phủ được thành lập bởi UNESCO tại Đại hội quốc tế của các nhà phê bình nghệ thuật thế giới vào năm 1948 và 1949. Trải qua thời gian hoạt động lâu dài và uy tín, đến nay, AICA đã quy tụ được hơn 4200 thành viên tại 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Họ là các nhà phê bình nghệ thuật có chuyên môn, có uy tín trong nhiều lĩnh vực của nghệ thuật hiện đại và đương đại, hoạt động với mục tiêu thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng đối với nghệ thuật thị giác và những hình thức thể hiện vô cùng đa dạng của chúng.

Nhà phê bình Francis Parent xuất thân là giám đốc của một phòng trưng bày nghệ thuật mang tên “Galerie 16” tại Vence, Pháp từ 1973 tới 1976. Đây là nơi trưng bày các tác phẩm của những họa sỹ thuộc trường phái “Biểu hiện tự sự” (Figuration Narrative). Sau đó, ông trở thành giảng viên chuyên ngành phê bình mỹ thuật tại nhiều trường Đại học ở Pháp và các nước như Tây Ban Nha, Mỹ, Hi Lạp, Ý, Maroc, Bỉ… Francis Parent bắt đầu sự nghiệp phê bình hội họa chuyên nghiệp với vai trò là thành viên Ban giám khảo của nhiều cuộc thi hội họa quốc tế. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách giới thiệu tranh, phê bình nghệ thuật cho các họa sỹ và một số sách chuyên khảo về hội họa thế giới. (Xem thêm thông tin về Francis Parent tại http://www.francis-parent.com/).

Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực phê bình và định giá các tác phẩm, Francis Parent đã thành lập hệ thống đánh giá tranh online mang tên Artrinet tại địa chỉ http://www.artrinet.be. Đây là website cho phép các họa sỹ trên thế giới trưng bày trực tuyến tác phẩm của mình và nhận được những đánh giá, phân tích khách quan của Francis Parent dựa trên những tiêu chí cố định và thang điểm chi tiết.  Đồng thời, trang web này cũng giúp các tác phẩm tiếp cận dễ dàng hơn với các nhà sưu tập tranh và công chúng.

Theo trang Artrinet, có 04 tiêu chí được sử dụng để đánh giá tác phẩm như sau:

Tiêu chí A: Hình thức thể hiện

Tiêu chí B: Cấu trúc tác phẩm

Tiêu chí C: Mối liên kết giữa nội dung truyền tải và hình thức thể hiện

Tiêu chí D: Tính truyền tải của tác phẩm

Nhờ những đánh giá này mà các nhà sưu tầm tranh, các nhà phê bình, nhà báo, người yêu nghệ thuật… có thể dễ dàng tìm kiếm các tác phẩm mình yêu thích cũng như đưa ra những đánh giá khách quan hơn cho tác phẩm.

Tranh “Đang ngủ” (Sleeping) | Acrylic | 55 x 70cm | 2008

Họa sỹ: Đại Giang

Đánh giá tác phẩm “Đang ngủ” của họa sỹ Đại Giang

Về tác phẩm “Đang ngủ” (“Sleeping”) của họa sỹ Đại Giang, trang Artrinet đã đưa ra những đánh giá như sau:

Xếp hạng chung của tác phẩm: A290 – A390 – B230 – C120 – D115 – D110

 

Phân tích trên hệ thống Artrinet của Francis Parent cho tác phẩm “Đang ngủ”

Tiêu chí A: Hình thức thể hiện

Khi nhìn vào tác phẩm, điều gì gây ấn tượng tới người xem đầu tiên? Tác phẩm mang tính trừu tượng hay tính biểu tượng hơn…? (Xét trên mức độ từ “phi vật chất” đến “hiện thực”).

A290: Hình thức của tác phẩm thể hiện những tưởng tượng sâu xa, huyền bí và kích thích trí tưởng tượng.

Những hình ảnh kỳ quái trong giấc mơ hay hình thể trong bóng đêm được thể hiện chắc chắn và chân thực hơn A280 (Như các họa sỹ Matta, Max Ernst, Gustave Moreau, Paul Delvaux, Dado, Vito Tangiani,… hay họa sỹ trừu tượng gần đây Mariko Mori,…)

A390: Trường phái ban sơ mang tính cá nhân hóa (primitivism)

Trong tranh xuất hiện các hình mẫu nhân vật truyền thống như một yếu tố ưu tiên và cần thiết của dạng thức văn hóa. (Như các họa sỹ Nolde, Jean Michel Basquiat, Quattara, Robert Tatin, J. Dubuffet,…)

Tiêu chí B: Cấu trúc tác phẩm

Cấu trúc của tác phẩm được thể hiện như thế nào?

(Xét trên mức độ từ “phi vật chất” đến “hiện thực”).

B230: Tác phẩm mang tính cấu trúc cao

Tác phẩm sử dụng các yếu tố của hội họa cũng như để tạo nên những kết hợp có cấu trúc chặt chẽ. Đó là sự kết hợp có tổ chức của đường nét, màu sắc, chất liệu và kích thước (Các họa sỹ tương tự: Michail Heizer, Anish Kapoor, Miguel Barceló…)

Phân tích trên hệ thống Artrinet của Francis Parent cho tác phẩm “Đang ngủ”

Tiêu chí C: Mối liên kết giữa nội dung truyền tải và hình thức thể hiện

Người nghệ sỹ truyền tải điều gì trong tác phẩm của mình?

Hệ thống phân loại dựa trên sự kết hợp từ yếu tố phi vật chất nhất (Ví dụ: ý tưởng nghệ thuật…) đến yếu tố vật chất nhất (ví dụ: hình thức thể hiện là nghệ thuật cơ thể…) của tác phẩm.

C120: Tác phẩm hướng tới khía cạnh phi vật chất/bản chất của những điều cốt lõi bên trong mà người nghệ sỹ muốn truyền tải:

Những giấc mơ, sự thơ mộng, trải nghiệm bay bổng… của thế giới nội tâm. (Các họa sỹ tương tự: Henri Michaux, Wols,…)

Tiêu chí D: Tính truyền tải của tác phẩm

Người nghệ sỹ có chủ ý muốn truyền tải thông điệp nào đó qua tác phẩm của mình hay không? (Xét trên mức độ từ những thông điệp bí ẩn nhất đến các thông điệp dễ diễn đạt bằng lời nhất).

D115: Tác phẩm truyền tải thông điệp qua các nét mô tả chi tiết hay các biểu tượng, chúng có thể mang tính tượng trưng, ẩn dụ (Như trong tác phẩm “Materials” của J. Beuys…), tính hệ thống (Như trong tác phẩm “Fibonacci series” của Mario Merz, hoặc các tác phẩm của Robert Filliou,…), tính phê phán (từ Henri Cueco đến Hans Haacke hay Guillaume Bijl,…)

D110: Tác phẩm truyền tải những ảnh hưởng về mặt tinh thần đa dạng, ít dấu ấn của ảnh hưởng tôn giáo. (từ Barnett Newman đến Mark Rothko, từ Roman Opalka đến Arnulf Rainer,…)

Từ những nhận xét trên, có thể thấy tác phẩm “Đang ngủ” của họa sỹ Đại Giang được Francis Parent đánh giá cao về khả năng gợi mở sự tò mò và trí tưởng tượng của người xem cũng như bản sắc dân tộc riêng mà tranh của ông có được. Người phụ nữ “đang ngủ” có thân hình mang nhiều nét dân dã, thôn quê, phảng phất nét nở nang của phụ nữ thời trung cổ. Trên tay cô gái cầm chiếc quạt giấy, các chi tiết trên gương mặt bị đảo ngược nhưng vẫn khiến người xem nhìn ra thần thái an nhiên tĩnh lặng, làm liên tưởng đến hình ảnh phụ nữ trong văn học dân gian Việt Nam thời xưa, vừa gợi cảm, vừa phảng phất dáng vẻ hiền thục, nhẫn nại. Nhìn kỹ hơn một chút, người phụ nữ trong tranh có thân hình của một người nam nhưng lại có cặp vú phụ nữ được vẽ trái chiều, nhìn ngồ ngộ và điểm tính hài hước. Giàu tưởng tượng hơn, bạn có thể hình dung, bên ngược dành cho vai trò làm vợ, bên xuôi dành cho thiên chức làm mẹ, lại tượng trưng cho người phụ nữ với những cá tính mưa nắng thất thường. Cái xấu, cái đẹp, phải và trái nằm chung với nhau như rác và hoa, như thiên thần và ác quỷ, hữu hạn và vô hạn.

Họa sỹ Đại Giang

Họa sỹ Đại Giang từng chia sẻ đại ý rằng: Xem tranh và thấy tranh đẹp là một chuyện, hiểu nội dung mới là điều tuyệt vời nhất. Công chúng và các nhà phê bình phương Tây xem tranh của ông chỉ nhận thấy tranh đẹp, phá cách và ngộ nghĩnh trong bố cục, màu sắc…, nhưng họ sẽ không thể hiểu sâu về ý nghĩa của những hình ảnh giàu tinh thần dân tộc cũng như những triết lý phương Đông được họa sỹ Đại Giang gửi gắm trong những bức tranh của ông. Vì vậy, hi vọng rằng không chỉ những tác phẩm riêng lẻ như bức tranh “Đang ngủ” mà rất nhiều các tác phẩm khác của Upsidedownism cũng sẽ sớm có được những đánh giá công tâm và mang tính chuyên môn cao của các nhà phê bình trong nước và quốc tế, để chúng được đến gần hơn với công chúng, góp phần mang một nét riêng của hội họa Việt Nam đến với làng mỹ thuật thế giới.