TƯ TƯỞNG PHƯƠNG ĐÔNG VÀ TÍNH TRIẾT HỌC TRONG TRANH UPSIDEDOWNISM

31/12/2018

Xuất thân là một người con đất Việt, với nền tảng Mỹ thuật cơ bản và chắc chắn, từng là học viên khóa 1 trường Đại Học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội, rồi du học sinh tại Nga. Với một hành trang cuộc đời đầy sóng gió ông đặt chân tới Mỹ vào những năm 1990 với tay trắng và cậu con trai ở tuổi niên thiếu. Con đường tới Mỹ Ông trải qua là những câu chuyện đầy sóng gió của sự thống khổ của đời sống con người, sự cùng cực, đói khát, tranh giành, máu và nước mắt.

Biết làm gì khi bản thân là một họa sĩ đồ họa với kỹ năng kẻ vẽ tay chân, trong khi đó nước Mỹ đã phát triển quá xa so với quê hương ông, ông cảm thấy sự bất lực khi đối mặt với với sự xa lạ nơi đây. Tuy nhiên cuộc sống bắt buộc và đã thôi thúc ông phải tồn tại. Đại Giang sớm xin được một công việc tại một công ty sản xuất bếp ga du lịch. Cuộc sống hòa nhập và dần dần đi vào quỹ đạo, nhưng bản chất người nghệ sĩ trong ông đâu thể ngồi im và dừng lại ở đó. Ngày đi làm công nhân kiếm tiền và trang trải cuộc sống, đêm về đối diện với toan vẽ. Nhưng câu hỏi đặt ra vẽ gì đây giữa một đất nước phát triển không chỉ về khoa học kỹ thuật, đời sống kinh tế mà còn cả nền nghệ thuật lâu đời cùng vô vàn các họa sĩ nổi tiếng. Dường như câu hỏi đó, suy nghĩ đó cứ ngự trị trong tâm trí ông, một họa sĩ Phương Đông giữa trời Tây.

( Tranh Buổi chiều vàng)

 

Phải thay đổi! Bằng mọi giá phải tìm ra tiếng nói riêng, có vậy mới tồn tại được ở Mỹ. Những nghệ sĩ mà không có tiếng nói riêng, cứ na ná, thì anh ta sẽ nhanh chóng bị lãng quên trong im lặng. Những day dứt đó cứ ngự trị trong tâm trí ông. Một khoảnh khắc lóe lên, sao mình không vẽ chính cuộc đời mình.

Một hôm trên đường đi làm, ông bắt gặp cảnh tượng một bà mẹ trẻ bế đứa con co rúm giữa tuyết rơi, trên tay cầm cái bảng ghi dòng chữ “Không thuốc, không tiền, không thức ăn, hãy giúp đỡ tôi”. Ông sững người và không tin được tại sao trên đất Mỹ – một đất nước hoa lệ và giàu có bậc nhất thế giới lại có cảnh đó. Hóa ra cuộc đời là như vậy, trên thế giới này, không chỉ ở Mỹ mà ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào cũng có những điều tương tự; có tự do, có bất công, có vô lý và có thế này thế kia… Liên hệ lại với chính cuộc đời mình, ông sáng tạo ra trường phái Đảo Ngược “ Upsidedownism”.

(Phác thảo ý tưởng đầu tiên về Upsidedownim)

Khi Upsidedownism ra đời nó đã giải quyết được vấn đề bế tắc của cả một thời kỳ dài khi nền hội họa thế giới vẫn đang xoay chuyển, oằn mình và chưa có những trường phái mới được công nhận. Năm 1996 ba năm sau kể từ khi những ý tưởng đầu tiên về Upsidedownism được phác thảo, Upsidedownism của họa sĩ Nguyễn Đại Giang đã được viện Tác quyền Mỹ công nhận. Đó là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của ông với nghệ thuật.

Với tư tưởng tất cả vì tình yêu quê Hương đất nước, tất cả đam mê và cống hiến của ông đều không ngoài mục đích đưa văn hóa Việt Nam gần hơn với bạn bè thế giới. Liên hệ với các tư liệu hình vẽ cổ trên bãi đá Sa Pa cũng như tranh vẽ cổ ở đồng bằng sông cửu long thế kỷ 17, hay trên mặt trống đồng, đàn chim Lạc bay ngược chiều kim đồng hồ, các họa tiết chạy tròn khi đứng đối diện sẽ thấy ngược … đó chính là những nét cơ bản mà họa sĩ đã nghiên cứu, tìm hiểu để biết cách vận dụng những tinh hoa dân tộc vào trong tranh của mình. Nói như vậy để thấy tư tưởng triết học phương Đông và tính triết học trong họa tiết, hoa văn dân tộc đã được thể hiện một cách hết sức tinh tế bởi cha ông ta, và ngày nay họa sĩ đã tiếp tục khai thác, sử dụng để lồng ghép các tư tưởng đó trong những sáng tác của mình.

(Một số tư liệu, hình vẽ cổ)

Ngoài ra tranh Upsidedownism còn thể hiện tư tưởng của sự tự do sáng tạo, phá bỏ những quy tắc, dám thay đổi và chấp nhận thay đổi dựa trên hiện thực hiện hữu. Sự bao dung, tính thiền và tư tưởng phật giáo cũng được vận dụng đầy tinh tế. Tranh của Nguyễn Đại Giang luôn tươi sáng, mộng mơ, dí dỏm và hướng thiện, bản chất con người luôn có lòng trắc ẩn, sự toan tính, mưu cầu cái đẹp. Đối với nhiều người nếu lần đầu xem tranh Upsidedownism sẽ có nhiều cảm xúc hoặc thích thú,khoái chí, có thể là sợ hãi, sốc, lùi ra xa, thậm chí là giận dữ bỏ đi… tuy nhiên đó là cảm xúc thật của mỗi con người khác nhau khi đứng trước các tác phẩm thuộc Upsidedownism.

( Tranh Ca Trù)

Tại sao chúng ta thấy tính thiện và sự bao dung trong những bức tranh Upsidedownism tĩnh lặng và trầm tư. Thường ngày chúng ta có câu “ Bệnh từ miệng mà vào, Họa từ miệng mà ra” ý nói Bệnh do ăn uống, do thực phẩm, do thói quen mà vào, họa do miệng nói mà ra, nhìn từ góc độ cơ thể học thì miệng nằm gần cằm và dưới mũi, nhưng Upsidedownism lại đặt miệng lên trán hay những vị trí khác, vì sao? Lại có câu uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, hay vắt tay lên trán mà nghĩ… thì với việc hoán đổi vị trí miệng lên trên trán ý nghĩ sâu xa của họa sĩ với thông điệp đặt miệng gần với não để tư duy thấu đáo, để làm việc cẩn trọng và bớt bệnh, bớt họa. Lại đến cái mũi, thực tế mũi người hướng xuống dưới, nhưng với Upsidedownism lại vẽ hướng lên trên, để làm gì, để có thể hít thở không khí từ trên cao, hưởng thụ tinh hoa của trời đất. Hay đôi mắt như tưởng mình ở trên cao nhìn mọi việc thấu đáo, tự coi mình cao ngạo, họa sĩ lại đặt xuống dưới để anh bớt ngạo mạn, nhìn mọi vật bình đẳng hơn. Tại sao phần thân không đặt dưới phần đầu mà lại đặt ngang, đi theo chiều Đông sang Tây hoặc ngược lại… bản thân Họa sĩ giải thích, khi vẽ nếu thông thường bố cục dọc chủ thể trong tranh như đứng đối diện người xem, nhưng khi đặt ngang họa sĩ đã bay vào trong tranh và tự do trong không gian đó chứ không phải chỉ đứng đối diện với nhân vật trong tranh. Liên hệ rộng ra chúng ta thấy rằng mọi thứ đang bị đảo lộn thật không thể chấp nhận được, mọi thứ đều trở thành vô lý. Trong phật giáo biểu tượng sắc sắc, không không là đang nói đến tính không, người tu đạo vẫn còn ngu muội cố chấp thì không thành chính quả. Nói đến đây ta càng thấy sự sâu sắc và tính bao dung trong tư tưởng của Upsidedownism. Họa sĩ đã dám vứt bỏ cái cũ, cố hữu của bản tính con người, sự thuận của mắt để đưa ra một cái nhìn mới dựa vào thực tế để thay đổi mà không làm mất đi bản chất của một thực thể. Sự tự do này đã khơi dậy sự sáng tạo vô cùng, mở rộng ra chiều sâu của tâm hồn mà theo Thượng tọa Thích Trí Hoằng chùa Pháp Nguyên ở bang Texas gọi đó là chiều kích tâm Linh

( Tranh Sinh, Lão, Bệnh, Tử)

Trong thời gian gần đây, Tư tưởng phương Đông còn thể hiện ngày càng mạnh mẽ hơn sáng tạo trong Upsidedownism đã trở thành “Super Upsidedownis”, Siêu đảo ngược bất hủ. Trước đây Upsidedownism mới chỉ vẽ với hai chiều Đông – Tây, nhưng cho đến nay điều đó đã trở thành quá khứ, Upsidedownism đã vẽ với không chỉ hai chiều mà vẽ với 4 phương, tám hướng, vẽ để đi vào trái tim của người thưởng ngoạn. Nếu phương Tây có nhà thờ và tiếng chuông ngân vang thì phương Đông có đạo Phật với tiếng chuông ngân vọng. Tiếng chuông của phương Tây với tháp chuông rất cao và khi đánh thì tiếng chuông dội xuống đỉnh đầu, theo phương đứng. Phương Đông thì khi đánh chuông cách đánh theo phương ngang, có thể dùng dùi, dùng búa nhưng tiếng chuông đánh ngang sẽ vang xa hơn, rộng hơn và dễ đi vào trái tim mọi người hơn. Đó là triết lý mà Upsidedownism đề cập đến. Ngoài ra nếu xét về mặt tự nhiên trái đất có 4 hướng, Đông, Bắc, Tây, Nam. Phía Bắc thì có Bắc cực, Phía Nam có Nam cực, chỉ có phía Đông sang Tây là mênh mông, rộng lớn, cây mọc theo chiều thẳng đứng cũng chỉ có tầm, núi cao đến mấy cũng không vượt được mây, chỉ có chiều dài là vạn trượng, như dãy Trường Sơn, như biển Đông hay Thái Bình Dương mênh mông.

Như vậy qua những phân tích trên ta có thể thấy trong tranh Upsidedownism mang nặng Triết lý phương Đông, đề cao dân tộc tính, hướng thiện và luôn lạc quan.

DinhLee 11.2018