UPSIDEDOWNISM LÀ THÀNH QUẢ CỦA CUỘC SỐNG, TRÍ TƯỞNG TƯỢNG VÀ SỰ TỰ DO
22/09/2017
Chân dung tự họa của Nguyễn Đại Giang
Nguyễn Đại Giang đến Mỹ năm 1992, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ 2 năm sau đó, vào năm 1994, các bức tranh của ông bắt đầu giành được những giải thưởng. Ông được biết đến là người sáng lập ra trường phái mới mang tên Upsidedownism.
“Tự nhiên giúp chúng ta hiểu được các quy luật của cuộc sống. Không thể có ngày mà không có đêm. Không có ánh sáng, chúng ta không thể hiểu những gì tồn tại trong bóng tối. Trong tất cả mọi thứ đã luôn tồn tại mầm mống của sự hủy diệt. Trong sự ổn định vẫn tồn tại mầm mống của loạn lạc, trong sự sống là mầm mống của cái chết. Tóm lại, tính hai mặt của cuộc đời là một sự thật hiển nhiên. Đúng và Sai, Thiện và Ác, Sống và Chết, Hạnh phúc và Khổ đau. Không có gì là vĩnh cửu, không có gì là ổn định mãi mãi.” (Tuyên ngôn của Upsidedownism).
Nguyen Thi Tu Huy. Sáng tạo ra một trường phái tranh mới, điều mà ít họa sĩ có thể làm được và nếu có thì cũng rất hiếm. Theo ông, sự khác biệt giữa sáng tạo ra một tác phẩm và một trường phái tranh là gì?
Nguyen Dai Giang. Khi vẽ những bức tranh thực tế, tranh của bạn sẽ ngày càng đẹp lên theo thời gian. Nhưng nếu chọn vẽ tranh siêu thực, trừu tượng hay lập thể…, theo các “trường phái” riêng được thế giới công nhận, chất lượng các tác phẩm phải vượt lên trên giới hạn của người nghệ sĩ. Đây là điều mà những người sáng lập ra các trường phái luôn gặp phải. Sáng tạo một trường phái mới, một ngôn ngữ mới trong hội họa là việc rất khó, phải trải qua nhiều thử thách, vượt qua các dư luận xã hội, đôi khi là cả sự đố kỵ. Một trường phái mới được tạo ra, đó là những luồng suy nghĩ mới và hình thức nghệ thuật mới chưa từng được biết đến trước đây. Và cùng lúc đó, những sáng tạo mới sẽ gây ra áp lực cho những đầu óc hạn hẹp, hời hợt hoặc đã quen với tư duy lối mòn.
“Mẹ và con” – Họa sĩ Nguyễn Đại Giang
NTTH. Upsidedownism, cái tên này không có nghĩa rằng việc ông làm trong các tác phẩm chỉ là đảo ngược mọi thứ từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Ông không thay đổi tổng thể bằng việc đảo ngược các yếu tố mà là chúng dịch chuyển,thay đổi vị trí nhưng vẫn luôn tạo nên một tổng thể hài hòa. Điều đó có đúng không?
Nguyen Dai Giang. Đúng vậy. Upsidedownism là một sự biến chuyển trong tổng thể.
NTTH. Ông gặp phải những khó khăn gì khi đi theo trường phái Upsidedownism?
Nguyen Dai Giang. Là một họa sĩ, người nghệ sĩ phải biết quên đi cảm xúc cá nhân của mình. Khi cảm thấy khó chịu với những gì xảy ra trước mắt, người họa sĩ sẽ rất khó để vẽ được những bức tranh đảo ngược. Bản chất của nghệ thuật là tự do, các giới hạn là kẻ thù của tự do và sẽ ngăn cản sự thăng hoa của người nghệ sĩ.
NTTH. Theo một nghĩa nào đó, nghệ thuật đã tạo nên cuộc sống của ông, những thất bại, thành công và cả những bất hạnh hay hạnh phúc. Nhưng cũng rất rõ ràng rằng: Ông đã tạo ra nghệ thuật. Có thể nói rằng: Ông đã sinh ra hội họa và hội họa được tạo nên nhờ ông. Vậy theo ông, ý nghĩa của nghệ thuật là gì? Nghệ thuật thuộc về cuộc sống hay thuộc về trí tưởng tượng?
“Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng” – Họa sĩ Nguyễn Đại Giang
Nguyen Dai Giang. Cuộc sống của tôi là một sự đảo ngược. Cuộc sống của rất nhiều người khác cũng là những sự đảo ngược. Từ cuộc sống mà tôi đã sáng tạo ra Upsidedownism. Trong thực tế, từ hàng ngàn năm nay, tổ tiên người Việt của chúng tôi đã thể hiện quan điểm đảo ngược này. Tôi chỉ là người kế thừa và phát triển quan điểm này thành một trường phái để tạo nên một điều gì đó mang bản sắc Việt Nam và mang nó đến với hội họa của thế giới. Vì vậy, Upsidedownism sinh ra từ cuộc sống, từ trí tưởng tượng và sự tự do của người nghệ sĩ.
NTTH. Có lẽ tôi hiểu tại sao ông nói cuộc sống của mình là một sự đảo ngược: Cuộc sống đã khiến ông từ một giáo sư đại học trở thành một công nhân. Nhưng chính từ vị thế của một người công nhân chứ không phải từ địa vị của một giáo sư đại học mà ông sáng tạo ra một trường phái nghệ thuật mới. Điều này thực sự làm đảo ngược những quan niệm thông thường của chúng tôi về địa vị của một cá nhân và sự đóng góp của họ đối với xã hội. Dù ở địa vị xã hội nào, một cá nhân vẫn có thể sáng tạo.
Ông nói rằng: “Nghệ thuật là từ bỏ. Phải biết từ bỏ để sáng tạo”. Thật ấn tượng khi biết rằng ông đã từng từ bỏ bao nhiêu điều trong quá khứ để sáng tạo, ông nhận ra được giá trị của sự từ bỏ đó và hiện tại, ông vẫn tiếp tục từ bỏ. Hiện tại ông đang từ bỏ Upsidedownism – điều đã mang tới cho ông rất nhiều thành công để chuyển sang một giai đoạn khác mang tên “Super Upsidedownism”. Đó là một sự phủ nhận bản thân để khám phá những tiềm năng khác trong chính mình. Thật đáng khâm phục khi ông làm được điều đó khi đã 70 tuổi. Vậy nói một cách chính xác, Super Upsidedownism là gì?
Nguyen Dai Giang. Thực tế, Super Upsidedownism là giai đoạn phát triển tiếp theo của Upsidedownism, không phải là sự từ bỏ hoàn toàn. Tôi từng vẽ với những kỹ thuật của Upsidedownism, sự đảo ngược luôn theo trục Bắc – Nam. Và bây giờ, các bức tranh của tôi được thể hiện trên cả bốn trục Đông – Tây – Nam – Bắc. Điều này có nghĩa là 4 phương và 8 hướng. Việc này cho phép sự sáng tạo được đẩy lên một tầm cao hơn, rộng hơn trong mối liên kết chặt chẽ giữa phương Đông và và phương Tây trong một thế giới của những sự đảo ngược.
Cuộc phỏng vấn họa sĩ Nguyễn Đại Giang do TS. Nguyễn Thị Từ Huy thực hiện trên tờ Perspectives 90. (http://www.aafv.org/upsidedownism-de-nguyen-dai-giang)
Tin tức liên quan