ĐẦU HAY ĐUÔI? – TRƯỜNG PHÁI NGHỆ THUẬT UPSIDEDOWNISM

22/09/2017

 

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang

THANH GƯƠM HAI MẶT CỦA NGUYỄN ĐẠI GIANG

Nghệ thuật nói chung không nên được đánh giá chỉ bằng vẻ bề ngoài. Trong trường hợp của Nguyễn Đại Giang – một họa sĩ đang sống tại Washington,  câu nói này còn mang một lớp nghĩa mới. Nói một cách văn vẻ thì Nguyễn Đại Giang đã đảo ngược nghệ thuật lên đầu. Nếu bạn từng có thói quen nghiêng đầu suy ngẫm khi đến xem tranh tại các triển lãm, bạn sẽ có cơ hội được làm thế nhiều lần khi chiêm ngưỡng các tác phẩm của Nguyễn Đại Giang. Nhưng dần dần, mắt bạn sẽ quen dần với các bức tranh “ngược đời” này. Nghệ thuật của Đại Giang và một số họa sĩ khác theo trường phái này, không cần đưa vào bất cứ một định nghĩa đóng khung kiên cố nào – bởi đó là điều mà các họa sĩ sợ hãi nhất. Nhưng để giới thiệu một cách chung nhất thì hội họa của Nguyễn Đại Giang có thể gọi tên là “nghệ thuật đảo ngược”, hay còn gọi là trường phái “Upsidedownism”. Người họa sỹ sinh ra ở Việt Nam này không chỉ đơn thuần coi đây là hướng tiếp cận trong một vài tác phẩm, trên thực tế đây là một trường phái nghệ thuật do ông sáng tạo và phát triển.

“Bản chất của con người có tốt và xấu, đúng và sai. Nghệ thuật đảo ngược khiến những mâu thuẫn này chung sống hòa bình với nhau, như ngày và đêm”.  Tuyên ngôn cho trường phái Upsidedownism của Nguyễn Đại Giang đã được công bố và gây ấn tượng bởi quan niệm này. Hàng nghìn người dùng internet từ hơn 25 quốc gia đã từng ghé thăm website, hơn 10 họa sĩ khác từng tới thăm studio của ông ở Seattle để tìm hiểu về Upsidedownism – trường phái được ông nghiêm túc theo đuổi từ năm 1996 – khoảng 2 năm sau khi ông đến miền đất hứa Mỹ. “Sống trong cộng đồng nơi tôi được bao quanh bởi những người Mỹ và người Việt trong khi quan sát thế giới đang không ngừng vận động mỗi ngày, quan điểm nghệ thuật trong hội họa của tôi dần trở thành quan điểm để nhìn nhận mọi điều trong cuộc sống” – người họa sĩ 67 tuổi chia sẻ.

“Từ trước đến nay, các họa sĩ thường chỉ vẽ tranh theo một chiều hướng nhất định. Nghệ thuật Upsidedownism khao khát diễn tả nhiều chiều hướng khác nhau trong cảm xúc của con người: Cả niềm vui và nỗi buồn… sự sống và cái chết trong cuộc đời”. Đại Giang nói rằng các bức tranh của ông có cả sự phi lý và hợp lý. “Điều này không có nghĩa rằng tôi bảo vệ những điều phi lý nhưng tôi muốn nhắc tới sự bao dung, vô cùng vô tận của vũ trụ”, ông nhấn mạnh. “Nói một cách khác, Upsidedownism chính là nghệ thuật bước ra từ cuộc sống”. Ông viết trong tuyên ngôn trường phái Upsidedownism: “Trong sự sống đã luôn có mầm mống của cái chết… Tính hai mặt là sự thật hiển nhiên của cuộc đời. Đúng và sai, sự sống và cái chết, hạnh phúc và khổ đau… Không có gì là mãi mãi. Không có gì là bất biến. Không có gì là ổn định.”

 HAI MẶT CỦA SỰ THẬT

Chẳng có gì ổn định đối những người chơi trò Ô ăn quan, một trò chơi truyền thống của trẻ con Việt Nam – khung cảnh được Đại Giang mô tả bằng những gam màu ấm với chất liệu acrylic. Người chơi có thể thắng hoặc thua bất cứ lúc nào. Bạn cũng sẽ có cảm nhận tương tự với bức tranh mang tên “Chúc Tết”. Mọi người vui chơi cùng nhau, cơ thể họ nhảy múa một cách sống động, vui vẻ nhưng khuôn mặt họ lại kể một câu chuyện khác, như thể hạnh phúc và nỗi buồn đang cùng song song tồn tại. Thông qua những hình ảnh trừu tượng như vậy, người họa sĩ – triết gia này phản ánh sự thay đổi nhanh chóng của thế giới và tác động của chúng lên cuộc sống con người. Bởi vậy, trong các tác phẩm của Đại Giang, vô thức gặp gỡ ý thức và cả hai đều sống động. Hình dạng và vị trí của chúng bị thay đổi phụ thuộc vào góc độ, phụ thuộc vào nơi mà cuộc sống ném chúng vào. Sự đảo ngược và thay đổi vị trí được tô đậm trong các chi tiết như đôi mắt, chiếc mũi, miệng, tay, chân…

Bên trong trở thành bên ngoài, trên đảo xuống dưới, rộng thành hẹp và ngược lại. Đại Giang nói với tôi rằng mặc dù những bức chân dung của ông bị “thay đổi, méo mó và trông có vẻ không tự nhiên” nhưng những đặc điểm và nét cá tính của nhân vật thì không bao giờ thay đổi. “Một họa sĩ của trường phái Upsidedownism sáng tạo ra những thứ làm nhòa đi ranh giới giữa sai và đúng, đẹp và xấu, những hiện hữu và không hiện hữu”, ông nhấn mạnh. “Nó là một sự gắn kết bền chặt giữa tính logic và phi logic, nơi những điều vô hình sống cùng những điều hữu hình”. Một trong những ví dụ rõ ràng hơn minh họa cho điều vô lý này là bức tranh sơn dầu “Đang ngủ” của Nguyễn Đại Giang, nơi chúng ta nhìn thấy những hình tượng xuất hiện đầy quái dị, và cả con người cũng thế, trong bộ dạng của cả nam lẫn nữ. Điều này gợi nhớ đến trào lưu lập thể của Pablo Picasso hay chủ nghĩa trừu tượng của Morgan Russell và trào lưu tượng trưng của Gustave Moreau với những nét hào phóng của chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa tương lai. Giống như các tác phẩm nghệ thuật của mình, Đại Giang là một con yoyo, dao động tự do trong những miền màu sắc đầy tươi vui và cả u buồn, chỉ để lại một khoảng rất nhỏ những điều người khác có thể đoán trước được.

“Đang ngủ” – Họa sĩ: Nguyễn Đại Giang

Cơ thể  người phụ nữ trong tranh của Đại Giang được đặc biệt mô tả như là biểu tượng cho sự thay đổi của quê hương ông cũng như sự thay đổi trong vai trò của người phụ nữ – một trong những đề tài được họa sĩ yêu thích. Trong phần lớn các tác phẩm, ông vẽ những người phụ nữ khỏa thân, làm lộ ra các đường nét và sự gãy vỡ trên cơ thể họ như là biểu tượng cho những quan điểm của ông về cuộc sống. Điều này cũng lý giải một phần cho mối liên hệ giữa các tác phẩm của Đại Giang với thế giới, xã hội và con người.

“Mẹ con” – Họa sĩ Đại Giang

Đại Giang không mất quá nhiều thời gian để tạo ra một tác phẩm – thường là hai, ba ngày hoặc một tuần nếu chất liệu vẽ lâu khô hơn. Mặc dù sơn dầu và acrylics là loại chất liệu được họa sĩ lựa chọn từ lâu nay nhưng ông không cảm thấy bị buộc phải dùng đến 2 chất liệu này. Họa sĩ Đại Giang nhận xét: “Nếu bạn là một họa sĩ của Upsidedownism, bạn có thể sử dụng nguyên liệu nào tùy thích”. Đại Giang cũng không ép buộc mình phải sáng tác theo tiêu chuẩn nhất định nào. Ông muốn mỗi tác phẩm là một sáng tạo riêng biệt. Trong các tranh chân dung, phong cách vẽ của họa sĩ cũng thay đổi. Mặc dù thường vẽ những bức chân dung có kích cỡ trung bình trên vải bố nhưng họa sĩ cũng không ngại ngần khi thử sức mình trên bức tranh tường khổ lớn mang tên “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”.

Ngay từ khi 7 tuổi, Đại Giang đã có bức vẽ đầu tiên bằng cọ vẽ. Trước khi bước vào tuổi thanh niên, ông đã xác định được cuộc đời mình sẽ gắn bó với công việc nào. Ông tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1968 rồi sau đó quyết định học cao hơn tại trường Đại học Mỹ thuật Matxcova từ năm 1968 đến năm 1974. Đại Giang vẫn tiếp tục theo đuổi con đường hội họa ở tầm cao hơn tại đại học Washington sau khi ông đến định cư ở Hoa Kỳ 2 thập kỷ sau đó.

Không mất quá nhiều thời gian để nghệ thuật của họa sĩ Đại Giang đến được với công chúng và được các nhà phê bình bàn luận. Năm 1994, ông dành được giải vàng tại cuộc thi của Trung tâm mỹ thuật quốc tế Washington.  Điều này được công nhận bởi hàng loạt những cái gật đầu đồng ý của các họa sĩ khác. Một thời gian ngắn sau đó, ông viết bản tuyên ngôn cho trường phái Upsidedownism và được ghi tên trong cuốn sách “Who’s Who in the World” của Trung tâm Tiểu sử Quốc tế (IBC) của Cambrigde – nhà xuất bản tiểu sử hàng đầu thế giới. Ông cũng được chọn xuất hiện trong cuốn sách “500 người sáng lập thế kỷ 21” của J. Gifford và IBC.

“Ca trù” – Họa sĩ Đại Giang

Họa sĩ triển vọng Đại Giang tiếp tục tham gia các triển lãm tại Mỹ cũng như tại châu Âu trong thời gian này. Năm 2006, tranh “Mẹ và con” nằm trong danh sách những tác phẩm được nói tới nhiều nhất trong một triển lãm hội họa quốc tế tổ chức tại Tây Ban Nha. Một năm sau, tác phẩm “Ca trù” – bức tranh ông mô tả các ca sĩ truyền thống của Việt Nam đã đạt chứng nhận xuất sắc trong một cuộc thi tổ chức ở London. Các tác phẩm nghệ thuật đảo ngược của Nguyễn Đại Giang được trưng bày ở các bảo tàng nghệ thuật của Voronezh, Nga cũng như bảo tàng tại Seattle, Hoa Kỳ. Một số tác phẩm khác nằm trong các bộ sưu tập tư nhân tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Hồng Kông, Bỉ, Pháp, Việt Nam…

Với trường phái nghệ thuật và triết lý mới của mình, Nguyễn Đại Giang đóng vai trò không thể phủ nhận trong nghệ thuật đương đại hiện nay. Ông đã hoàn toàn biến đổi, đem lại sự mới mẻ cho hội họa, khiến người xem như đang chơi một trò chơi bằng thị giác và những phán đoán.

Bài viết bởi: Maha Majzoub