CUỘC SỐNG QUA GÓC NHÌN ĐẢO NGƯỢC CỦA HỘI HỌA

22/09/2017

Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc cho biết: Năm 2009 tôi sáng tác bài thơ “Lộn ngược”. Ban đầu cứ nghĩ cái tứ thơ “lộn ngược” của tôi là hết sức mới mẻ, nhưng khi nhìn thấy tranh của họa sĩ Nguyễn Đại Giang, tôi đã giật mình, bởi nghệ thuật của thế giới đã đi rất xa- họa sĩ Nguyễn Đại Giang đã vẽ những bức tranh đầu tiên cho trường phái Upsidedownism của mình từ năm 1994.

Thế giới có nhiều trường phái mỹ thuật. Mỗi trường phái đều có những tên tuổi lớn. Hơn nữa, nghệ thuật không thể trường tồn trong bóng râm của người khác hoặc con đường người ta đã dọn sẵn.

Nguyễn Đại Giang đã tìm con đường nghệ thuật cho riêng mình. Ông bắt đầu nghiền ngẫm về hành trình của văn hóa dân tộc. Điều tâm đắc nhất, theo Nguyễn Đại Giang là từ lâu lắm rồi tổ tiên mình nhìn cuộc đời rất nhân bản. Và hòa hợp chính là cái mới trong nghệ thuật đảo ngược mà ông quyết định theo đuổi.

Kể về bức tranh đầu tiên được vẽ theo trường phái Upsidedownism- đảo ngược, Nguyễn Đại Giang cho biết: Đó là chiều đông ở Seattle. Trong cái lạnh giá của tuyết phủ đầy, tôi thấy một cô gái đứng co ro trên phố ngửa tay xin tiền.

Họa sĩ Đại Giang bên tác phẩm “Ca Huế trên sông Hương”

Trước ngực cô ta là đứa con nhỏ còn ngang bụng mang tấm biển đề: Homeless-No Money- No Food-Please Help! (Không nhà, không tiền, không thực phẩm nên phải ngửa tay xin ăn).

Hình ảnh ấy làm tôi chạnh lòng và tự hỏi: Mỹ giàu nhất thế giới nhưng sao lại có cảnh này? Hỏi rồi tự mình tìm câu trả lời: Nước Mỹ giàu nhưng không phải không có kẻ nghèo. Nghịch lý tồn tại khắp nơi. Đó chính là sự đảo nghịch.

Suy nghĩ, cân nhắc cuối cùng tôi quyết định lấy hiện thực đêm ở thành phố Seattle-nơi mình sinh sống để sáng tác. Tác phẩm hoàn thành đúng dịp ở Newyork có tổ chức cuộc triển lãm tranh quốc tế.

Có đến 10 vạn tác phẩm từ các nơi gửi về. Tôi bất ngờ khi biết tranh của mình nằm trong số 700 tác phẩm được chọn. Và hạnh phúc nhất khi tác phẩm: “Seattle by night” của tôi được trao giải thưởng Washington State Convention Center Seattle International competition năm 1994.

Quá hào hứng, Nguyễn Đại Giang chọn “Upsidedownism” khi làm hồ sơ đăng ký và được Cục Bản quyền Mỹ chấp thuận.

Trên 20 năm theo đuổi trường phái Upsidedownism, đến nay tranh của Nguyễn Đại Giang không chỉ triển lãm ở Hoa Kỳ mà còn được triển lãm tại Anh, Canada, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bỉ và Việt Nam. Và trong vòng 11 năm (1994-2015), Nguyễn Đại Giang đã được trao 11 giải thưởng quốc tế; không những thế tên tuổi của ông hai lần được đưa vào sách “ Who’s Who in the World” ( 1999, 2002), “500 nhà sáng lập của thế kỷ 21” và “Từ điển các Họa sĩ Thế giới”.

Sự nổi tiếng trên đất Mỹ của ông, khiến Anna Fahey – nhà phê bình mỹ thuật của Seattle Weekly đã phải thốt lên: “Trường phái Upsidedownism hóm hỉnh của Đại Giang đang đánh đổ lịch sử mỹ thuật phương Tây” .

Còn Nguyễn Đại Giang thì từ tốn, khi trả lời một tờ báo: “Tôi chỉ góp một bông hoa vào vườn hoa của nghệ thuật thế giới”.

Bông hoa mà Nguyễn Đại Giang đóng góp cho nghệ thuật thế giới được kết tinh từ nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Những tác phẩm đoạt giải như “Mẹ và Con”, “Ca trù”, “Mẹ đi chợ về” “Chơi bài” là minh chứng cho điều ấy.

TP: Mẹ và con – Họa sĩ Đại Giang

Nó thể hiện cái hay, cái độc đáo của văn hóa truyền thống qua những điệu múa cổ, trò chơi và phong tục tập quán trong dân gian. Nguyễn Đại Giang tự đúc kết: ở phương Tây vẽ gì thì vẽ nhưng một khi anh vẽ về dân tộc mình thì người ta đều tôn trọng, bởi chỉ mình mới thể hiện được hồn dân tộc của mình! Và ông luôn tâm niệm: dù sống ở đâu, người nghệ sĩ phải có tinh thần tự tôn dân tộc!

Thế giới nể phục điêu khắc gia Điềm Phùng Thị vì bà là người sáng tạo ra 7 module để làm nên sự khác biệt trong nghệ thuật. Còn danh họa Nguyễn Đại Giang được quý trọng vì ông là người sáng lập trường phái Upsidedownism- “ sẽ mở ra một trang mới cho lịch sử mỹ thuật thế kỷ 21” như nhận định của nghệ sĩ Ba Lan Grey Gierlowsky.

Trong dòng đời, sự khổ đau lẫn hạnh phúc, sự giàu có và nghèo hèn, sự sống và cái chết, sự thịnh và suy của đời người v.v… cứ như vậy mà tiếp diễn hết năm này sang năm khác, hết mùa xuân này đến mùa xuân khác như hết ngày lại đến đêm thôi.

Chúng ta hiểu cuộc sống là như vậy, là thường tình để khi gặp những nghịch cảnh chúng ta không sầu bi quá để ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của chúng ta. Chúng ta vẫn nhìn cuộc đời này trong ánh mắt lạc quan. Cuộc đời này vẫn tươi đẹp và đáng sống.- Họa sĩ Nguyễn Đại Giang.

Phạm Hữu Thu