DANH HỌA NGUYỄN ĐẠI GIANG: GƯƠNG MẶT BI HÀI CỦA SÁNG TẠO

22/09/2017

Sản phẩm từ cái khuôn mẫu đầu tiên đã đặt định con người trong thế bị động, và từ khởi thủy đầy hư cấu và huyền thoại đó bao nhiêu trí tưởng tượng đã được tạo dựng, việc chế tác một khuôn mẫu mới cho con người đã được đề cập đến nhiều lần.

Beethoven

Nhưng xem ra mọi dạng thức mới đó đều không được chấp nhận, như các dạng thức về con người được tưởng tượng trong điện ảnh, trong hội họa, trong y học, rô bốt ngành điện toán, trong văn học và cả tôn giáo. Vậy mà, đầu thế kỷ 21 này lại xuất hiện một họa sĩ biết tạo ra một mô thức khác cho hình thể con người và sự vật, khiến đa số mọi người gật gù chấp nhận. Người đó là họa sĩ Nguyễn Đại Giang. Ông sinh năm 1944, học hội họa ở Hà  Nội từ 1966 – 1968, học ở Liên Xô từ 1968 – 1974 và sau đó tốt nghiệp hội họa ở Mỹ. Ông có tên trong sách “Who‘s who in the world” năm 2002, riêng trường phái tranh Upsidedown được đưa vào sách “Thiên tài sáng tạo” (Creative Genius) thuộc tủ sách Master of today, ở nước Anh, năm 2009. Ngoài ra ông còn được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế cao quý khắp các châu lục, tranh của ông được nhiều gallery và bảo tàng lớn trên thế giới sưu tập. Được biết vào ngày 19/5/2015 họa sĩ Nguyễn Đại Giang sẽ nhận giải thưởng Roma Imperia International prize 2015, tại thành phố Roma, Italia. Ông là nghệ sĩ gốc Việt duy nhất được sống ở tòa nhà Art Space của thành phố Seattle, thuộc tiểu bang Washington của Mỹ.

Stephen Hawking

Nguyễn Đại Giang đã tạo ra một trường phái Upsidedown trong hội họa hiện đại đã khiến giới nghệ sĩ tạo hình hàn lâm khắp các châu lục phải công nhận và tôn vinh ông là một trong “500 người sáng lập của thế kỷ 21” (500 founders of the 21th century, English, 2003). Thật ra, vào thế kỷ 20, Pablo Picasso đã đặt vấn đề về dạng thức con người, danh họa thiên tài của thế kỷ đã đưa sự bất đối xứng vào trong tác phẩm để phá bỏ ám định về luật đối xứng và các tỉ lệ ràng buộc khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ, qua đó ông đã sáng tạo lại hình tướng của nhân vật trong tác phẩm của mình. Chúng ta có thể nhận ra ở Picasso là sự dịch chuyển các symbol trên cơ thể người nhưng rất chính xác về giải phẫu học và có bố cục quá chặt chẽ. Rất nhiều tác phẩm của ông đã cho sự đồng xuất hiện nhiều tính cách trong một nhân vật, như thể ông đã nhận ra căn bệnh đa nhân cách của con người, điều này trong Duy thức học Phật giáo đã nói về tâm vương và tâm sở, cũng như trong bộ môn tâm lý học của phương Tây đã phần nào lý giải điều này. Đó chỉ là một phần rất nhỏ trong hành trình dài sáng tạo của Picasso, nhưng với một phần nhỏ đó, thiên tài hội họa vĩ đại này đã khiến cho cả thế giới kinh ngạc. Thật không dễ dàng để tạo ra một trường phái, và với người nghệ sĩ ở những đất nước đang phát triển, không ai không tự nhận mình đã có ảnh hưởng từ hội họa phương Tây, những họa sĩ tên tuổi mà tôi có biết như: Vĩnh Phối, Đinh Cường, Bửu Chỉ,… đều tự nhận có ảnh hưởng ít nhiều của hội họa phương Tây. Điều này là tất yếu, vì nền nghệ thuật tạo hình hiện đại của chúng ta được đặt định trên nền tảng hội họa phương Tây, đừng mơ mộng rằng chúng ta sẽ tạo ra một nghệ thuật hội họa mới hoàn toàn.

Tây nguyên

Giả thiết rằng mỗi bộ phận trong cơ thể có một linh hồn và biết chuyển động, thì có thể một ngày nào đó, cái đầu buồn quá sẽ đến nép gương mặt trên bờ ngực để nghe trái tim thì thào xưng tội, hoặc đôi mắt sẽ cử một con ra phía sau gáy để quan sát những kẻ “đâm sau lưng chiến sĩ” và có thể trái tim bé nhỏ sẽ chọn cho mình một vị trí xứng đáng hơn với tên gọi của nó trong cơ thể con người. Có thể nói họa sĩ Nguyễn Đại Giang đã ít nhiều ảnh hưởng từ danh họa Picasso và cũng từ nền tảng của Picasso để sáng tạo ra một trường phái đảo ngược thuần khiết cho hậu thế sau này. Điều đặc biệt của upsidedownism Nguyễn Đại Giang chính là sự đảo ngược từng phần và cả đảo ngược toàn vẹn, không phải chỉ dựng ngược một hình ảnh hoặc chỉ hoán đổi vị trí các bộ phận trong cơ thể, hoặc một ảnh ngược của quang học, hay là sự lộn ngược của nhân vật Âu Dương Phong bị tẩu hỏa nhập ma trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung; mà người họa sĩ này đã đưa ra một mô thức đảo ngược khiến cả thế giới chấp nhận, đó là sự đảo ngược của từng bộ phận, sự đảo ngược của cách nhìn trong logic sáng tạo khiến đối tượng được sáng tạo lại không bị thay đổi thần thái mà chỉ hoán đổi ở dạng thức vật lý. Trong các tác phẩm của Nguyễn Đại Giang, ông đã vẽ chân dung những bậc như Đức Phật, Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà bác học vĩ đại Albert Einstein, nhà vật lý Stephen Hawking, thiên tài âm nhạc Beethoven, các thiên tài hội họa thế kỷ trước Pablo Picasso, Salvador Dali… nhưng không làm mất tính tôn nghiêm cũng như thần khí của những vị này. Với những chính khách như bà cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, ông cũng đã thể hiện được gương mặt họ bằng nghệ thuật đảo ngược và đã khiến họ nể phục. Không dừng lại ở đối tượng sáng tác là con người, ông còn đẩy sự sáng tạo của mình đến với động vật và những hình ảnh trong cuộc sống. Không chỉ vẽ từng cá thể hoặc trong khung cảnh hẹp, họa sĩ Nguyễn Đại Giang còn cho các biểu tượng văn hoá, các  lễ hội sắp đặt trong một trật tự mới theo trường phái của mình như đã thể hiện trong những tác phẩm: “Ca Trù”, “Chơi ăn quan” (Chơi ô làng), “Quan Âm Thị Kính”, “Tham, Sân, Si và lục đạo luân hồi”, “Mẹ và con” v.v. Một số tác phẩm của họa sĩ với ý tưởng táo bạo, đã đưa một bộ phận của động vật này gán cho loài động vật khác đã khiến tôi liên tưởng đến những hình thể người nhưng cái đầu, cái bụng như nhân vật Chư Bát Giới trong Tây Du Ký hoặc những gương mặt người nhưng trái tim thì của loài  sói như trong câu chuyện cổ tích cô bé quàng khăn đỏ. Mọi người cứ ngỡ ngắm nhìn tranh ông để mà cười, nhưng ẩn chứa trong nụ cười đó phảng phất chất bi hài đã khiến người xem phải giật mình. Tôi tin rằng, một ngày nào đó nghệ thuật đảo ngược của Nguyễn Đại Giang sẽ ra mắt tác phẩm mà trong đó địa ngục và thiên đàng đang xen, đồng hiện, và sẽ có những con người một phần này ở địa ngục và phần kia ở thiên đàng…

Nude green

Một lần ông ngang qua Huế chưa đầy 40 giờ, tôi đã nhìn ông trong trạng thái đảo ngược vì hơi men, hôm đó ông vẽ chân dung tôi trên chính chiếc áo tôi đang mặc. Tôi kể với ông những câu chuyện về Huế, tôi nói Huế là thành phố tâm linh, thiêng về cõi âm, người dân ở đây quanh năm chăm lo cho người đã khuất. Dù chỉ mới tiếp xúc với họa sĩ Nguyễn Đại Giang lần đầu, nhưng cảm nhận của tôi về ông là sự bình dị, rộng lượng và rất gần gũi với mọi người. Hôm đó, đôi mắt ông như một lăng kính khiến sông Hương và cảnh vật xung quanh biến hiện một cách kỳ ảo, trên bầu trời xứ Huế như xuất hiện một dòng sông mây đã cuốn hút tâm tưởng tôi. Thời khắc đó văng vẳng bên tai tôi  câu nói “vạn pháp do tâm tạo” của đấng toàn giác đã khiến tôi thức tỉnh. Tôi như cảm nhận được thông điệp từ nghệ thuật đảo ngược của ông, phải chăng thế giới này chỉ là ảnh ảo của sự biến hiện từ một hiện thực khác. Hôm sau tôi đem toan và màu theo rồi ghé khách sạn Duy Tân đưa ông đến Gác Trịnh để vẽ kỷ niệm về Trịnh Công Sơn như tôi đã gợi ý, dù chỉ lưu lại chưa đến 30 phút, nhưng ông đã thể hiện chân dung Trịnh Công Sơn theo phong cách upsidedown rất sinh động. Còn nhớ hôm đó ông cần màu tím Huế mà không có, tôi đã hòa màu xanh dương với màu đỏ để tạo ra màu tím, ông gật đầu nhìn tôi với nụ cười thật hiền. Dừng lại ở Huế chưa đến 2 ngày, nhưng ông đã nhận ra được chất siêu thực và upsidedown của thành phố thơ mộng này, ông say sưa vẽ những chiếc thuyền úp ngược dọc các bãi bờ, vẽ các cảnh vật ẩn hiện trong sương mù, vẽ chân dung Trần Vàng Sao, Phạm Tấn Hầu, Đinh Thu, Trần Hạ Tháp, Hồ Đăng Thanh Ngọc,… Dù chỉ còn khoảng thời gian rất ngắn trước khi rời Cố đô Huế, người họa sĩ tài danh này đã kịp ghé đến Art Gallery Sonata trên đường Lương Thế Vinh, và ông đã vẽ chân dung nữ sĩ Bạch Diệp theo phong cách upsidedown rất ấn tượng. Ông nói, Bạch Diệp là người phụ nữ ông vẽ chân dung theo kiểu đảo ngược đầu tiên ở Huế.

Chí Phèo, Thị Nở

Nụ cười rất hài hước của ông được gắn trên gương mặt ẩn chứa một niềm bi ai sâu sắc, chỉ là cảm nhận nhưng tôi đoán cuộc đời ông có những khúc quành ẩn kín trong thăm thẳm cõi lòng. Khi ông vẽ tặng chân dung cho mọi người, trông ông rất thoải mái và khoái chí, cho dù chỉ mới gặp họ lần đầu tiên. Được biết, ông có dự định sẽ triển lãm ở Cố đô Huế trong một ngày không xa, số tranh sẽ triển lãm tại thành phố Huế hiện đang lưu giữ tại Hà Nội.

Tôi nghĩ đã đến lúc thế giới cần phải có một cuộc cách mạng tâm tưởng, vì từ thuở khai thiên lập địa, từ khởi thủy hay từ thời khắc có kẻ cuồng loạn nào đó đã tự mạo nhận mình ban sự sống cho thế giới này, và đến tận bây giờ thử xem đã có mấy ai đặt định lại vấn đề tồn tại của các sinh vật trên trái đất này là phi lý, điều mà văn hào Albert Camus đã nói đến trong tác phẩm của chính mình. Chính thái độ chấp nhận và tuân phục của số đông mà Friedrich Nietzsche gọi là yếu hèn, điều đó đã khiến nguy cơ phá sản môi trường sáng tạo và dẫn đến sự suy vong nhân tâm của xã hội. Nếu trong triết lý có một triết gia nổi loạn bi tráng đầy cảm thức sáng tạo như Friedrich Nietzsche, thì chúng ta có thể nói rằng trong mỹ thuật đầu thế kỷ 21, Nguyễn Đại Giang là họa sĩ nổi loạn bi hài trong thế giới của ông. Tôi cảm nhận tác phẩm của ông như lời cảnh báo đến sự sáng tạo của đấng tối cao, và có thể điều đó cũng là lời nhắn gửi của ông tới đồng loại khi phải đối diện với nhiều nghịch cảnh đau thương giữa cuộc sống được gọi là văn minh, và phải chăng đảo ngược cũng là ước mơ của rất nhiều người trong hoàn cảnh bi đát hiện nay.

Đại bàng

Cần xác tín một điều rằng, vấn đề quan trọng của một người nghệ sĩ là vượt thoát ra khỏi chính mình trong từng thời khắc như những thiên tài đã thể hiện. Chưa nói đến các kỹ thuật tạo hình và nghệ thuật của màu sắc, chỉ cần một niềm đam mê và trí tưởng tượng kỳ quái, siêu vượt đã làm nên một họa sĩ Nguyễn Đại Giang tên tuổi tầm thế giới mang lại niềm tự hào cho hội họa Việt Nam. Tôi mong rằng, nghệ thuật tạo hình Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều tác giả như vậy, một Lê Bá Đảng khả kính miệt mài, một Điềm Phùng Thị độc đáo, một Ann Phong bút pháp cuồn cuộn,… và một Nguyễn Đại Giang đảo ngược thế giới.

March, 2015 

Lê Huỳnh Lâm
(SH315/05-15)